Sản phẩm ở dạng bột mịn, có thể bảo quản trong điều kiện môi trường bình thường được 60 ngày.
KS. Phạm Thị Minh Kiều, khoa Nông học, trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ những nghiên cứu ban đầu về bệnh héo xanh trên cây cà chua, nhóm nghiên cứu do chị phụ trách đã phát hiện ra một số dòng vi khuẩn đối kháng, trong đó có dòng Pseudomonas fluorescens P217 thể hiện tính đối kháng mạnh nhất đối với các dòng vi khuẩn gây bệnh.
Vi khuẩn Pseudomonas fluorescens P217 có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn Ralstonia solanacearum và Pseudomonas solanacearum gây bệnh héo xanh cho một số cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà chua, khoai tây, cà tím, ớt, dưa chuột…
Hàng năm mức độ thiệt hại do bệnh héo xanh gây ra trên nhiều loại cây trồng, đặc biệt là các loại rau màu ngắn ngày là rất cao; tùy theo loại cây, giống cây, điều kiện thổ nhưỡng và tập quán của từng địa phương mà có mức thiệt hại từ 15% đến 60-70%, thậm chí nhiều nơi bị mất trắng 100%. Nguồn vi khuẩn gây bệnh héo xanh Ralstonia solanacearum thường lưu cữu trong đất qua nhiều năm gặp điều kiện thuận lợi (nhiệt độ , độ ẩm cao, có nhiều vết thương cơ giới) sẽ xâm nhập và gây hại cây trồng bằng bệnh héo xanh vi khuẩn. Tuy nhiên, từ trước đến nay chưa có một loại nông dược nào có khả năng phòng trị được loại bệnh này một cách hữu hiệu ngoài các biện pháp canh tác nông học và trồng luân canh với cây cây lúa nước.
Từ phát hiện này, nhóm nghiên cứu tổ chức sản xuất một chế phẩm sinh học, thành phần gồm: dòng vi khuẩn Pseudomonas fluorescens P217, 2% đường sucrose, 2% (NH4)2SO4, 0,5% trypton, 0,5% NaCl, 0,2% CaCO3…
Sản phẩm ở dạng bột mịn, có thể bảo quản trong điều kiện môi trường bình thường được 60 ngày. Các kết quả thử nghiệm trên đồng ruộng cho thấy chế phẩm có tác dụng làm giảm từ 13,6 đến 39,5% tỷ lệ cà chua bị bệnh héo xanh. Hiện nay nhóm tác giả vẫn tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm thêm trên một số loại cây trồng khác đồng thời hoàn thiện qui trình công nghệ sản xuất và qui trình sử dụng để nhanh chóng đưa vào phục vụ sản xuất.