BỆNH PHẤN TRẮNG VÀ GIẢ SƯƠNG MAI
Cây họ bầu bí (khổ qua, dưa leo, dưa hấu, bí xanh, bí đỏ…) được trồng phổ biến trong vụ đông xuân tại Quảng Nam. Nhóm cây trồng này rất mẫn cảm với bệnh phấn trắng và giả sương mai, nhất là khi điều kiện thời tiết thuận lợi thì chúng phát sinh gây hại rất nhanh, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất. Đây là hai loại bệnh khác nhau nhưng có triệu chứng gây hại trên đồng ruộng tương đối giống nhau; do vậy bà con nông dân rất dễ nhầm lẫn nên hiệu quả phòng trừ thấp. Để giúp người trồng rau có thêm thông tin về hai loại bệnh này, chúng tôi giới thiệu một số đặc điểm phân biệt để phòng trừ có hiệu quả hơn.
1. Triệu chứng gây hại:
– Bệnh phấn trắng (do nấm Erysiphe cichoarcearum gây ra)
Bệnh xuất hiện phá hại ngay từ thời kỳ cây con. Ban đầu trên lá xuất hiện những chòm nhỏ mất màu xanh hóa vàng, dần dần được bao phủ bởi một lớp nấm trắng dày đặc như bột phấn, bao trùm cả phiến lá (không bị giới hạn bởi gân lá). Lá bệnh chuyển dần từ màu xanh sang vàng lá khô cháy và dễ rụng. Bệnh nặng lớp phấn trắng xuất hiện trên cả thân, cành, hoa làm hoa khô và chết. Cây bị bệnh sinh trưởng yếu, phẩm chất kém, năng suất thấp.
Bệnh phát triển gây hại mạnh trong điều kiện ẩm độ cao, tuy nhiên điều kiện khô hanh lại thuận lợi cho sự phát tán của bào tử nấm bệnh trên đồng ruộng. Đặc biệt, bệnh phấn trắng gây hại cả 2 mặt lá, nhưng thường phát sinh gây hại mạnh ở mặt trên. Nấm bệnh tồn tại trong hạt giống tàn dư cây bệnh và lan truyền theo gió.
– Bệnh giả sương mai (do nấm Pseudoperonospora cubensis gây ra).
Bệnh phát sinh gây hại trên tất cả các bộ phận của cây, nhưng phổ biến nhất là trên lá. Vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ, không màu hoặc màu xanh nhạt sau đó chuyển sang màu xanh vàng đến nâu nhạt, hình tròn đa giác hoặc hình bất định. Vết bệnh nằm rải rác trên lá hoặc nằm dọc các gân lá thường có góc cạnh và bị giới hạn bởi các gân lá. Khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi (mưa phùn, nhiệt độ tương đối thấp), quan sát mặt dưới lá, chỗ vết bệnh thường thấy một lớp nấm mọc thưa, màu trắng xám (nên dễ nhầm lẫn với bệnh phấn trắng), bệnh nặng gây rách các mô tế bào, thậm chí làm lá biến dạng, cây phát triển yếu, toàn lá héo khô và chết. Khác với bệnh phấn trắng, bệnh giả sương mai thường phát triển và gây hại mạnh ở mặt dưới của lá. Khi nhìn phía trên xuống chỉ thấy những đốm vàng loang lổ. Nguồn bệnh tồn tại trong lá và tàn dư cây bệnh.
2. Biện pháp quản lý bệnh:
– Vệ sinh đồng ruộng, ngắt bỏ lá bị bệnh thu gom đem tiêu hủy.
– Lên luống cao, thoát nước tốt để tránh ẩm độ cao trên ruộng.
– Trồng mật độ hợp lý, không trồng quá dày dễ làm cho bệnh gây hại nặng.
– Chọn giống tốt, sạch, có khả năng kháng bệnh.
– Dọn sạch tàn dư cây bệnh sau khi thu hoạch.
– Xử lý hạt giống bằng những loại thuốc đặc hiệu cho từng loại bệnh trước khi trồng.
– Có thể dùng một số loại thuốc BVTV để phun trừ khi bệnh chớm xuất hiện và gặp điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát sinh gây hại của bệnh:
+ Score, Topsin M, Anvil… để phun trừ bệnh phấn trắng.
+ Mataxyl, Aliette, Ridomil Gold, Agri-phos, Phosphonate… để phun trừ bệnh giả sương mai.
Chú ý: Khi phun phải đảm bảo đủ lượng nước và liều lượng khuyến cáo.