Home / Uncategorized / BỆNH THỐI XÁM HẠI CÂY ỚT

BỆNH THỐI XÁM HẠI CÂY ỚT

Trong vụ đông, khi nhiệt độ xuống thấp, kèm theo những đợt mưa phùn kéo dài, tạo nên độ ẩm cao là điều kiện thích hợp cho các loại nấm bệnh phát sinh và phát triển, làm cho cây trồng dễ mắc một số bệnh. Gần đây, qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy cây ớt ở một số vùng thuộc các địa phương như Hà Tây, Hải Phòng, Hải Dương đã bắt đầu bị nhiễm bệnh do một loại nấm mốc màu xám gây ra. Bệnh phát triển khá nhanh, ở vùng bãi ven sông có xu hướng nặng hơn ở nội đồng. Đó là bệnh thối xám (gray mold hay botrytis cinerea). Nếu không kịp thời phòng trừ, trong thời gian tới khi có những giai đoạn mưa phùn kéo dài, bệnh sẽ có nguy cơ phát triển trên diện rộng.

Triệu chứng:

Có thể tìm thấy các triệu chứng bệnh xuất hiện trên hoa, quả (trái) non, thân và lá ớt, kể cả ở phần cuống quả và đoạn cuống còn sót lại sau thu hoạch. Ngay từ đầu, những cánh hoa nhiễm bệnh sẽ chuyển màu xám và thối. Sau đó những quả ớt non trong diện tiếp xúc với những cánh hoa này sẽ có màu nâu đậm và bắt đầu mềm rũ. Quả non mang bệnh có nhiều khả năng bị rụng sớm. Trong khi đó, những quả ớt lớn hơn cũng có thể bị bệnh thông qua phần cuống của vòi nhụỵ. Quả bị nấm bệnh một thời gian sẽ bị mềm nhũn ra, biến màu nâu và thối. Vết bệnh trên thân cây thường phát sinh từ phần cuống quả của già còn sót lại sau thu hoạch hay do những cánh hoa bị bệnh bay trong gió và rơi xuống. Nấm mốc màu xám xuất hiện trên hầu hết các vết bệnh, nhưng các vết trên thân và lá không có nhiều nấm này như ở cánh hoa và quả non.

cây ớt, bệnh thối xám

Nguyên nhân và điều kiện phát bệnh:

Nguồn gây bệnh ban đầu là các sợi nấm bay tới từ các ruộng bị bệnh ở kế bên, nhất là đầu hướng gió thổi tới, hay của các vụ trước còn sót lại trong đất. Khi gặp điều kiện thuận lợi như đã nhắc tới ở trên, chúng hình thành các bào tử đính (conidia) và bắt đầu phát tán, đồng thời tạo ra các vết bệnh mới. Nhiệt độ thích hợp nhất cho bệnh bùng phát là vào khoảng 14-200C. Bệnh không chỉ gây hại cho cây trồng ngoài ruộng mà còn có thể tấn công cả cây trong nhà lưới hoặc nhà kính của các trung tâm rau sạch.

Phòng trừ:

Khi trồng cần làm đất sạch, tơi xốp, khô thoáng và chọn trồng những cây non khỏe mạnh, không mang bệnh. Trồng ớt với mật độ vừa phải, không nên quá dày. Khi cần tưới nước, chỉ tưới vào gốc, tránh tưới trên tán lá ớt để hạn chế độ ẩm cao. Nếu phun bổ sung phân bón lá thì nên phun vào buổi sáng của ngày nắng ấm để nước dễ bay hơi. Khi nhiệt độ không khí xuống thấp và độ ẩm cao cần lưu ý phun thuốc phòng bệnh. Tốt nhất, nên phun thuốc phòng tối thiểu một lần trước khi bệnh xuất hiện, điều này rất đáng lưu ý trong phòng trừ bệnh nói chung. Sau đó có thể phun từng đợt, cách nhau 7 đến 14 ngày, tùy theo điều kiện thời tiết và mật độ vết bệnh phát hiện trên ruộng. Khi cây đã bị bệnh, cần xử lý bằng thuốc trừ bệnh. (Báo NNVN đã có dịp giới thiệu về thuốc phòng và trừ bệnh hại cây trồng trên số 1607 ngày 1/4/2003). Nên sớm loại bỏ các lá, quả và thân cây bị nhiễm bệnh vì chúng chính là nguồn gây bệnh cho các cây khoẻ mạnh khác. Có thể kể ra một vài tên hoạt chất (active ingredient) của các thuốc hóa học thường dùng phòng trừ bệnh này như: Folpet, Metalaxyl, Daconil, Benomyl v.v.

Leave a Reply