Home / Tin tức / CÁC PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ BƯỞI RA HOA – PHƯƠNG PHÁP 3

CÁC PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ BƯỞI RA HOA – PHƯƠNG PHÁP 3

Việc xử lý ra hoa trên cây bưởi không khó nếu chúng ta áp dụng đúng kỹ thuật. Tuỳ từng điều kiện cụ thể mà chúng ta chọn biện pháp xử lý ra hoa tối ưu cho cây bưởi. Vấn đề đặt ra cho nhà vườn hiện nay là thời điểm xử lý ra hoa lúc nào để bán trái được giá nhất, thu lợi nhuận cao.

Có 3 phương pháp xử lý ra hoa thường áp dụng trên bưởi:

Phương pháp 3:

Xử lý ra hoa bằng cách sử dụng hoá chất: có thể dùng Paclobutrazol ở liều lượng 2,5g-5gr ai/ cây (tùy theo tuổi cây và đường kính của cây mà tăng giảm liều lượng) tưới xung quanh gốc hoặc phun lên cây ở nồng độ 1000-2000ppm cũng có khả năng giúp cây bưởi ra hoa. Trên cây bưởi năm Roi phun Paclobutrazol nồng độ 1.000ppm, sau đó 30 ngày phun tiếp Thiourea nồng độ 0,3% sẽ giúp bưởi năm roi ra hoa đạt tỷ lệ cao (Trần văn Hâu, 2005).

Trên bưởi long Cổ Cò 5 năm tuổi quét Paclobutrazol liều lượng 1 gr ai/gốc đạt tỷ lệ ra hoa 60-70%. Hoặc dùng Ethrel 500ppm phun lên lá hoặc tưới gốc. Trước khi xử lý hóa chất thì cây cũng được bón phân lần 2 (trước ra hoa), sau khi xử lý hóa chất cũng cần giảm dần lượng nước tưới và khi cây ra hoa thì tưới nước trở lại.

Việc sử dụng hóa chất để xử lý ra hoa cho cây bưởi cần phải thận trọng vì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây bưởi, nên làm thử nghiệm một vài cây ở các nồng độ từ thấp đến cao từ đó rút ra kinh nghiệm trước khi quyết định sử dụng đại trà trên vườn.

Ưu điểm: cây ra hoa theo ý muốn; Ít chịu ảnh hưởng của sự tác động ẩm độ trong đất trong thời gian xử lý; Thuận lợi trong chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh và thu hoạch; Tổng thu nhập một lần bán sẽ cao hơn so với để ra hoa tự nhiên.

Nhược điểm: tốn chi phí mua hoá chất, công lao động khi phun hoặc tưới; Không an toàn cho người tiêu dùng nếu hoá chất còn lưu tồn trong trái; Sử dụng hoá chất liều cao có thể làm gây hại bộ rể của cây bưởi, tiêu diệt vi sinh vật có ích trong đất, gây ô nhiểm môi trường.

Các yếu tố liên quan để việc xử lý ra hoa bưởi được thành công: cây phải được trồng trên mô đất cao và vườn phải có hệ thống tưới tiêu chủ động được nguồn nước trong mương khi tạo khô hạn để đất nhanh khô ráo, giúp việc cây phân hóa mầm hoa tốt hơn; Khoảng cách trồng không được quá dày sẽ gây khó khăn trong việc tạo khô hạn cho cây bưởi; Thời gian tạo khô hạn phải tương đối đủ để cây phân hóa mầm hoa.

+ Trước giai đoạn xử lý ra hoa, cây không được bón quá nhiều phân bón có hàm lượng N cao.

+ Trong thời gian xử lý ra hoa trên cây bưởi không được mang quá nhiều trái hoặc trái đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau.

+ Cành vượt phải được tỉa bỏ thường xuyên và trên cây bưởi không có nhiều tược non.