Bệnh thán thư ớt (còn gọi là bệnh đốm trái – nổ trái) (Colletotrichum nigrum Ell et Hals và C. capsici (Syd) Butler and Bisby)
Bệnh thán thư ớt (còn gọi là bệnh đốm trái – nổ trái)
TRIỆU CHỨNG BỆNH
Bệnh thán thư làm thối chồi non, chết cây con vườn ươm, đặt biệt làm thối quả, cây bệnh ít quả, kém năng suất và giá trị kinh tế, xuất khẩu. Đặc biệt bệnh thán thư hại ớt cả trong thời kỳ bảo quản sau thu hoạch làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng hạt giống.
TÁC NHÂN GÂY BỆNH
Nguyên nhân gây bệnh thán thư do nhiều loài nấm thuộc loại Colletotrichum gây ra, trong đó hại phổ biến là 2 loài Colletotrichum nigrum Ell et Hals và C. capsici (Syd) Butler and Bisby. Cả 2 loài nấm này thường cùng phá hại làm thối quả ớt rất nhanh. Về đặc điểm hình thái và sinh học của 2 loài nấm trên có những khác biệt, song về điều kiện sinh thái, chúng đều sinh trưởng phát triển thích hợp ở nhiệt độ 28 – 30oC và ẩm độ cao. Đặc biệt bào tử nấm thán thư có sức sống cao, có khả năng chịu đựng khô hạn, dễ dàng phát tán nhờ gió và côn trùng. Nấm gây bệnh tồn tại chủ yếu ở dạng sợi nấm và bào tử phân sinh trên tàn dư lá, thân cành, quả và hạt ớt bị nhiễm bệnh. Vì vậy tàn dư cây ớt bị nhiễm bệnh và hạt giống cũng là những con đường truyền lan bệnh chủ yếu trong tự nhiên.
Nếu vết bệnh có màu trắng trắng xám, bên trong có nhiều vòng đồng tâm nhô lên và có màu vàng nhạt, trên đó có những chấm nhỏ li ti màu vàng do nấm Colletotrichum spp. gây ra (Colletotrichum gloeosprioides; C. capsici; C. acutatum; C. coccodes).
Nếu vết bệnh có màu đen không có nhiều vòng đồng tâm, trong vết bệnh có nhiều chấm nhỏ li ti màu đen, và chỉ gây hại trên trái chín mà thôi, do nấm Volutella sp. gây ra.
BIỆN PHÁP PHÒNG TRỊ
– Xử lý hạt giống bằng KMnO4 (0,1%) trong 1 giờ hoặc xử lý nước nóng 52oC trong 2 giờ.
– Gieo trồng ớt ở mật độ thích hợp.
– Nấm tồn tại trong tàn dư thực vật, thu hái các trái bệnh đem thu huỷ.
– Luân canh, không trồng cây họ cà ớt trong vòng 2 – 3 năm.
– Chọn giống kháng bệnh, tăng cường bón thêm phân chuồng hoai mục cho ruộng ớt.
– Tránh trồng ớt trong mùa mưa. Nếu ớt gặp mùa mưa, xem cách chăm sóc và phòng trừ bệnh thán thư trên ớt trong mùa mưa.
– Phun thuốc Copper B 75 WP, Score 250 EC, Appencarb, FOLPAN 50SC, … nồng độ 0,2 – 0,5% khi bệnh gây hại.
– Bón cân đối NPK, đặc biệt để bổ sung đầy đủ nguyên tố vi lượng cho cây ớt có thể sử dụng chế phẩm Bayfolan khoáng chất 11 – 8 – 6 của Công ty Bayer với liều lượng 50ml/bình 16l. Chế phẩm Bayfolan dễ hấp thụ qua lá, thân, rễ cây, giúp cây ớt tăng sức đề kháng, tăng khả năng đậu quả, không rụng hoa và quả.
Cây ớt thường bị phá hại bởi các loại côn trùng, sâu ăn lá, sâu đục quả ớt, tạo các vết thương cơ học rất thuận lợi cho nấm gây bệnh thán thư xâm nhập phá hại. Vì vậy có thể dùng thuốc Bulldock 025EC liều lượng 0,5 – 1lít/ha diệt sâu hại.
Để phòng trừ nấm gây bệnh thán thư ớt, cần sử dụng kịp thời một số thuốc trừ bệnh chủ yếu sau: Thuốc Antracol 70WP (liều lượng 2kg/ha) phun trực tiếp lên lá, cây hoặc quả khi bệnh mới xuất hiện. Thuốc Antracol 70WP ngoài tác dụng phòng trừ trực tiếp nấm gây bệnh thán thư còn có tác dụng bổ sung nguyên tố vi lượng kẽm (Zn++) tinh khiết cho cây ớt, làm tăng sức đề kháng, xanh và cứng cây, chống rụng hoa và quả, đồng thời làm quả ớt có màu sáng đẹp. Nhờ có vi lượng kẽm, thuốc Antracol 70WP còn phòng trừ rất tốt bệnh vàng lá.
Có thể phun luân phiên thuốc Antracol 70WP (1.5 – 2 kg/ha) với thuốc Nativo 750WG (liều lượng 0,12kg/ha), nhờ tác động kép giữa 2 hợp chất trừ bệnh của thuốc Nativo 750WG giúp cây ớt phòng trừ được tất cả các bệnh nấm hại cây và quả ớt kéo dài.
Ngoài 2 loại thuốc trên, người sản xuất cũng có thể dùng luân phiên với thuốc Melody DUO 66,75WP với liều lượng theo khuyến cáo (1kg/ha).