Home / KALI / CÔNG DỤNG CỦA KALI ĐỐI VỚI CÂY TRỒNG

CÔNG DỤNG CỦA KALI ĐỐI VỚI CÂY TRỒNG

Phân kali là một trong các nguyên tố dinh dưỡng đa lượng, đóng vai trò quan trọng trong SX nông nghiệp, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản.

Cây hút kali từ dung dịch đất, các loại cây trồng khác nhau hấp thu lượng kali khác nhau phụ thuộc vào nhu cầu của cây ở mỗi giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Cây chỉ sử dụng được kali trong đất ở dạng dễ tiêu, đối với cây hàng năm cần một lượng kali thấp vào đầu vụ khi cây còn nhỏ.

Khi cây lớn lên, nhu cầu kali của cây càng tăng đặc biệt là giai đoạn cây trồng trưởng thành và chuẩn bị ra hoa. Kali hỗ trợ cho quá trình chuyển hóa năng lượng, đồng hóa các chất dinh dưỡng để kiến tạo năng suất và chất lượng sản phẩm. Bón đủ kali sẽ tạo điều kiện cho cây có khả năng hút đạm và lân tốt hơn, điều hòa tốt các chất dinh dưỡng là nền tảng cho một vụ mùa bội thu.

Nghiên cứu của các nhà khoa học về đất phèn vùng ĐBSCL cho thấy diện tích đất phèn của toàn vùng vào khoảng 1,5 triệu ha, được phân bố chủ yếu ở Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu. Đất phèn thường có hàm lượng kali tổng số và dễ tiêu thấp: Hàm lượng kali tổng số trong đất dao động từ 0,03 – 0,09% và kali trao đổi từ 0,03 – 0,04 ldl/100g đất.

 

Nông dân ĐBSCL bón phân cho lúa

Nhiều nghiên cứu về dinh dưỡng đối với cây trồng đã chứng minh rằng trên đất phèn kali là yếu tố hạn chế đứng sau lân do hàm lượng kali trong đất thấp, rễ bị rửa trôi trong quá trình canh tác và cải tạo. Do vậy để cây trồng hướng tới năng suất tiềm năng và chất lượng sản phẩm tốt trên đất phèn thì con đường duy nhất là phải bổ sung kali qua con đường bón phân.

Nhiều kết quả nghiên cứu của các tác giả trên thế giới và nước ta đã chứng minh rằng: Nếu thiếu kali sẽ gây ảnh hưởng xấu đến quá trình trao đổi chất trong cây, làm suy yếu hoạt động của hàng loạt các men, giảm quá trình trao đổi các hợp chất, đồng thời tăng chi phí đường cho quá trình hô hấp.

Hậu quả của quá trình này là các lá già trở nên vàng sớm, lá bị khô bắt đầu từ mép lá và lan rộng ra toàn bộ lá. Đối với những cây có hạt thì ngoài hiện tượng lá bị khô cháy, còn xuất hiện hiện tượng hạt lép và làm giảm năng suất cũng như chất lượng nông sản.

Nghiên cứu về hiệu lực của kali đối với một số cây trồng các nhà khoa học của Viện Lúa Ô Môn và Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đã chỉ ra rằng hiệu lực của kali thể hiện rất khác nhau tùy theo từng loại đất của từng vùng. Đối với cây lúa trên đất phèn mặn với mật độ sạ tối thích là 150 kg/ha thì nên bón cho lúa với lượng đạm-lân-kali nguyên chất là: 80 kg N + 60 kg P2O5 + 45-60 kg K2O cho hiệu quả cao nhất và hiệu lực của của kali trung bình đạt 4,6 – 5,5 kg thóc/kg phân kali.

Đối với cây công nghiệp ngắn ngày cũng cho thấy rằng phân kali đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng năng suất và chống chịu sâu bệnh, kali làm tăng năng suất đậu tương khoảng 45% so với không bón, hiệu suất kali đạt từ 5,8 -15 kg đậu/kg K2O. Đối với cây lạc tùy theo lượng kali năng suất lạc tăng từ 13 – 41% so với không bón, với hiệu suất sử dụng kali từ 2,3 – 8,2 kg lạc vỏ khô/kg K2O bón vào.

Để nâng cao hiệu quả của phân bón kali cho cây trồng, người  SX cần tuân thủ những hướng dẫn về sử dụng phân kali cho cây trồng thông qua các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật hoặc qua kênh khuyến nông khu vực.

Đối với các loại cây rau ăn lá kali làm tăng năng suất không nghiều (8 – 12%) song kali có thể làm tăng chất lượng rau quả như giảm tỷ lệ thối nhũn, giảm đáng kể hàm lượng nitrat trong sản phẩm. Đối với cây rau bắp cải lượng kali nên bón dao động từ 100 – 150 kg/ha. Lượng cần bón cân đối NPK cho cải bắp trên 1 ha từ 20 – 25 tấn phân chuồng + (180 – 200 kg) N + (80 – 100 kg) P2O5 + 120 kg K2O.

Đối với các loại cây ăn quả như xoài, nhãn, chôm chôm… Bón kali cho cây ăn quả nói chung sẽ làm tăng quá trình phân hóa mầm hoa, giảm tỷ lệ rụng, tăng tỷ lệ đậu quả và nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua tích lũy đường trong quả, vitamin; ngoài ra kali còn làm cho màu sắc quả đẹp tươi khi chín, làm cho hương vị quả thơm và làm tăng khả năng bảo quản của quả góp phần nâng cao giá trị thương mại trên thị trường.

Tóm lại kali trong đất không phải là vô hạn, cây hút kali từ đất đáp ứng cho quá trình sinh trưởng, phát triển và kiến tạo năng suất. Ngày nay nông nghiệp nước ta không chỉ chú trọng về năng suất mà chất lượng nông sản cũng đã được quan tâm, chính vì vậy việc bón kali cân đối cho cây trồng càng trở nên cấp thiết nhằm bù đắp phần thiếu hụt trong đất do cây trồng đã lấy đi hàng năm.

NGUYỄN DUY PHƯƠNG