Home / Cây Ăn Quả / KỸ THUẬT CHĂM SÓC CÂY CAM SAU KHI THU HOẠCH

KỸ THUẬT CHĂM SÓC CÂY CAM SAU KHI THU HOẠCH

Cây cam là một loại cây ăn quả rất có giá trị kinh tế, những kỹ thuật trồng và chăm sóc sẽ góp phần quyết định đến năng suất cũng như chất lượng của cây cam sau này. Đặc biệt là các giai đoạn nhạy cảm như giai đoạn sau thu hoạch, cây cam cần phải được chăm sóc cẩn thận và đúng kỹ thuật.

1. Cắt tỉa cành, tạo tán

     Cắt tỉa cành và tạo tán luôn là công việc quan trọng là một trong bốn biện pháp bắt buộc của việc chăm sóc cây cam sau thu hoạch. Nó giúp cây được thông thoáng góp phần ảnh hưởng đến môi trường, hạn chế được sâu bệnh hại tồn tại và phát triển, tăng khả năng quang hợp giúp cây nhanh chóng phục hồi, tăng khả năng chống chịu.
     Mỗi năm cây cam luôn cao lên thì sẽ gây khó khăn trong việc thu hoạch cũng như chăm sóc hằng ngày, tuy có thể cắt tỉa cành vào những giai đoạn trước đó, nhưng để khống chế chiều cao của cây thì chủ yếu là trong giai đoạn này, cắt tỉa đau.
     Cây cam thuộc nhóm cây có múi, nên việc cắt tỉa ở các loại cây này gần như nhau. Đó là cắt tỉa tạo tán dạng hình chữ Y, dạng khai tâm để cây nhận được ánh sáng một cách tốt nhất và cũng nhằm mục đích điều khiển cây đậu quả ở trong tán, để dễ chăm sóc và thu hoạch.
     Sử dụng các dụng cụ chuyên để cắt cành như kéo cắt cành, cưa cắt cành (đối với những cành to), cần vệ sinh các dụng cụ trước khi cắt để hạn chế các nguồn nấm, vi khuẩn xâm nhập qua vết cắt.
     Cắt tỉa toàn bộ những cành tăm, cành già, khô và yếu, hay cành bị bệnh. Những cành vượt, cành trong tán mọc quá dày cản trở sự thông thoáng, kể cả những cành to đồng thời hạ tán xuống với chiều cao cây từ 3 – 3,5 m.
     Lưu ý: Vết cắt cần phải dứt khoác và cắt gần sát hoặc sát vào thân, không nên để chừa quá dài.

2. Làm cỏ và Bón phân
Làm cỏ
     Cần được thực hiện thường xuyên trong quá trình trồng và chăm sóc. Phạm vi làm cỏ là từ gốc cho đến tán cây (khoảng 1 – 1,2 m) phải làm sạch cỏ trước khi bón phân và đưa cỏ ra ngoài tán cây. Những dãy cỏ mọc phía ngoài tán cây (hay ngoài đường băng) chúng ta có thể giữ nguyên, nhưng nếu nó mọc quá tốt thì nên dùng liềm hay máy cắt cỏ cắt ngang để cỏ thấp xuống, để chúng không cạnh tranh dinh dưỡng với cây cam mà vẫn giúp giữ ẩm cho đất. Tuyệt đối không được dùng thuốc diệt cỏ vì giai đoạn này cây sẽ tiếp tục phát triển bộ rễ tơ, như vậy thì sẽ làm bộ rễ tơ của cây cam bị thối hỏng, nên khi chúng ta bón phân vào cây sẽ không hấp thụ được các chất dinh dưỡng.
     Sau khi làm sạch cỏ thì nên giữ lại lượng cỏ ấy ở phía ngoài tán để nó đóng vai trò giống như một lượng phân hữu cơ tự nhiên cho cây. Ngoài ra có thể bổ sung thêm các loại bã thực vật khác như rơm rạ khô, cây lạc, cây đậu… tủ xung quanh tán cây, cách gốc cây từ 0,7 – 1 m, tuyệt đối không tủ sát gốc cây vì sẽ tạo môi trường cho sâu bệnh hại phát sinh và gây hại.
Bón phân
     Mục tiêu bón phân sau thu hoạch là để dưỡng cây, nên lựa chọn các loại phân hữu cơ để cây phục hồi sức và tạo một tiền đề tốt cho những mùa vụ thu hoạch sau này. Lượng phân bón từ 0,5 – 3 kg/cây, tùy vào loại đất trồng, năng suất cho quả cũng như độ tuổi của cây mà bà con sẽ điều khiển lượng phân bón sao cho hợp lý.
     Trước khi bón thì bà con đào đất xung quanh ngoài mép tán cây tạo thành vành khuyên sâu 15 – 20 cm, rộng từ 30 – 40 cm. Mục đích là để làm đứt bộ rễ tơ cũ, đồng thời kích thích cây ra bộ rễ tơ mới, giúp cây hút chất dinh dưỡng tốt hơn, mạnh hơn. Khi đã cuốc tạo vành khuyên xong thì phơi đất khoảng 3 ngày nếu trời nắng, nếu không thì có thể phơi từ 7 – 10 ngày. Sau đó mới bắt đầu bón phân, bà con trộn đều phân bón cùng với đất đã đào lên phơi trước đó rồi lấp lại.

kỹ thuật chăm sóc cây cam sau thu hoạch
Áp dụng đúng các kỹ thuật chăm sóc sau thu hoạch giúp cây cam vụ mùa sắp tới đạt năng suất cao

3. Tưới nước
     Nhu cầu nước đối với cây ăn quả có múi rất đặc biệt, nó rất cần nước nhưng cũng rất sợ nước. Ở miền Bắc thì sau thu hoạch hầu như không có mưa nên cần tưới nước đầy đủ cho cây vào những ngày quá hanh khô, nắng nóng. Không nên tưới nước đẫm hoặc tưới trước trung tuần tháng 12 vì như vậy sẽ kích thích cây nảy lộc đông, không tập trung phục hồi sức và phân hóa mầm hoa, chỉ cần tưới đủ ẩm cho cây là được.
     Sau khi cắt tỉa cành, bà con nên tưới nước trong khoảng thời gian phơi đất việc này giống như rửa bộ rễ cho cây, nhằm giúp rễ cây dễ dàng hấp thụ chất dinh dưỡng hơn.

4. Phòng trừ sâu bệnh hại
     Cây cam là loại cây có nhiều đối tượng sâu bệnh hại, nên phải thường xuyên theo dõi các loại gây hại như rệp sáp, rầy mềm, nhện đỏ… để có các biện pháp phòng ngừa kịp thời. Nhưng nếu bà con chăm sóc tốt bằng cách cắt tỉa cành thông thoáng, trồng cây với mật độ không quá dày, kết hợp làm cỏ và sử dụng các loại phân bón hữu cơ thì khả năng cây bị sâu bệnh gây hại sẽ thấp, cây vẫn sẽ có khả năng tự chống chịu và hồi phục.
     Với cây trồng, kỹ thuật chăm sóc sau thu hoạch ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cũng như chất lượng trong những mùa vụ sau này. Cây cam cũng vậy, để có được những quả cam chất lượng, ngon ngọt và an toàn cho sức khỏe mà năng suất cao thì bà con phải áp dụng đúng những biện pháp kỹ thuật quan trọng đó là: Cắt tỉa cành, làm cỏ và bón phân, tưới nước và phòng trừ sâu bệnh hại. Chúc bà con sẽ có những mùa vụ năng suất cao, chất lượng tốt.

CẦN TƯ VẤN KỸ THUẬT LIÊN QUAN ĐẾN NẤM BỆNH HẠI VÀ QUY TRÌNH KỸ THUẬT VỀ CÂY TRỒNG

XIN MỜI BÀ CON GỌI ĐIỆN THOẠI VỀ SỐ 0969.64.73.79

Leave a Reply