Ruồi đục lá phá hại trên lá, phá hại từ giai đoạn có lá thật đến ra hoa, đậu trái nhưng nặng nhất vào giai đoạn sinh trưởng mạnh ra nhiều lá. Ruồi đục lá có tên khoa học là Liriomyza, thuộc họ Agromyzidae, bộ Ditera. Trưởng thành là loài ruồi nhỏ, dài khoảng 1,5- 2mm, màu đen, có vệt vàng trên ngực. Trưởng thành hoạt động ban ngày, sức bay kém. Chúng đẻ trứng trong mô biểu bì mặt trên lá. Sâu non dạng dòi, màu vàng nhạt. Dòi nở ra đục dưới lớp biểu bì lá thành những đường vòng vèo màu trắng (nên nông dân còn gọi là sâu vẽ bùa), có thể nhìn thấy con dòi và phân của chúng dưới đường đục. Nhiều con dòi phá hại trên cùng một lá, làm lá bị cháy khô, giảm khả năng quang hợp, dây khổ qua sinh trưởng kém. Nếu giai đoạn ra hoa bị ruồi đục lá gây hại mật số cao thì dây khổ qua sẽ đậu trái ít, trái nhỏ. Vòng đời của ruồi đục lá khoảng 15-20 ngày, thời gian trứng 2-3 ngày, sâu non 10-14 ngày, nhộng 8-10 ngày.
Ngoài ruồi đục lá, ruồi đục trái khổ qua ảnh hưởng quan trọng về kinh tế, làm giảm năng suất, giá trị thương phẩm của trái. Ruồi đục trái có tên khoa học là Bactrocera cucurbitae, thuộc họ ruồi đục quả Trypetidae, bộ Diptera. Ruồi trưởng thành có hình dạng giống ruồi nhà, dài khoảng 6-8mm, màu vàng có các vạch đen trên ngực và bụng. Cuối bụng ruồi cái có vòi đẻ trứng dài và nhọn dùng chích vào vỏ trái để đẻ trứng. Trứng nở ra dòi màu trắng ngà hoặc vàng nhạt. Ruồi trưởng thành hoạt động vào sáng sớm hoặc chiều mát, sức bay yếu. Một con cái có thể đẻ trên 100 trứng. Ruồi cái dùng bộ phận đẻ trứng chọc thủng vỏ trái và đẻ trứng vào trong, vết chích rất nhỏ chỉ nhìn thấy nhờ vết mủ chảy ra. Ấu trùng (dòi) nở ra đục ngay vào trong trái, chổ vết đục bên ngoài là một chấm nâu, bên trong trái, dòi đục thành đường hầm vòng vèo làm trái bị thối mềm và dễ rụng.