Home / Tin tức / TẠI SAO HỒ TIÊU BỊ BỆNH CHẾT NHANH CHẾT CHẬM?

TẠI SAO HỒ TIÊU BỊ BỆNH CHẾT NHANH CHẾT CHẬM?

Thời gian gần đây nhiều nông dân phản ánh hồ tiêu bị chết nhanh khá nhiều? Vậy nguyên nhân tại sao, làm thế nào để khắc phục?

Hồ tiêu chết do nấm.

Bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora spp gây ra. Trong số đó, 2 loài nấm Phytophthora tropicalis và Phytophthora capsici là nguyên nhân gây hại nặng nhất.
Tại sao hồ tiêu bị bệnh nhanh chết?

Tại sao hồ tiêu bị bệnh nhanh chết?

Bệnh chết chậm ở cây hồ tiêu do sự kết hợp gây hại của tuyến trùng và nấm trong đất. Một số loài tuyến trùng nội ký sinh, ngoại ký sinh gây hại như Meloidogyne spp, Rotylenchulus reniformis, Tylenchus sp , Meloidogyne incognita, trong đó tác nhân gây hại chủ yếu là giống Meloidogyne spp gây ra các nốt u sưng trên rễ; các loài nấm trong đất gây hại như Fusarium solani, Lasiodiplodia theobromae, Rhizoctonia solani, Pythium sp,… ngoài ra, rệp sáp hại rễ làm tăng mức độ bệnh.

Số ít hộ gia đình có chăn nuôi thì có bón phân hữu cơ nhưng thường không đủ lượng, còn lại đa số không quan tâm hoặc không có điều kiện kinh tế để mua phân chuồng bón cho hồ tiêu. Việc sử dụng thuốc BVTV của nông dân có diện tích nhỏ thường sử dụng không đúng chủng loại, đối tượng và liều lượng.

Không những thế, những nông dân trồng tiêu có diện tích nhỏ lại thường là đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa nên điều kiện khó khăn và có ít khả năng tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật. Theo đó, dù nông dân có diện tích lớn hay nhỏ cũng chỉ quan tâm đến thuốc BVTV hóa học mà ít quan tâm đến các biện pháp canh tác hồ tiêu bền vững.

Theo kết quả khảo sát sơ bộ ở các vùng trồng tiêu trọng điểm cho thấy, nhiều nông dân không áp dụng theo hướng dẫn, nhất là các biện pháp canh tác rất hữu hiệu để phòng chống bệnh hiệu quả.

Cách phòng và trị bệnh hồ tiêu nhanh chết.

Tính chất quyết định trong việc phòng bệnh, hạn chế bệnh chết nhanh, chết chậm là biện pháp canh tác phù hợp, bà con nông dân cần chú ý thoát nước trong mùa mưa.

Với kỹ thuật trồng trọt hồ tiêu, bà con nên đào hệ thống thoát nước theo ô bàn cờ, độ sâu 40 – 50cm (3 hàng ngang một rãnh, 3 hàng dọc 1 rãnh).

Nếu như đất có độ dốc cao đào theo hình xương cá, rãnh thoát nước chính sâu trên 50cm xung quanh vườn. Khi sắp vào mùa mưa phải phá bồn giữ nước quanh gốc tiêu (nếu có) để chống đọng nước.

Trụ tiêu tốt nhất nên trồng trụ sống bằng các loại cây cây keo dậu, bông gòn, muồng, lồng mức,… thay thế trụ bê tông hoặc trụ gỗ.

ho-tieu1

Cách phòng và trị bệnh hồ tiêu nhanh chết.

Bổ sung lượng NPK cân đối, nên chú trọng bón phân hữu cơ, ủ xác thực vật vào gốc tiêu để bổ sung chất hữu cơ cho đất, vừa có tác dụng giữ ẩm đất vào mùa khô, vừa phát huy hệ vi sinh vật có ích và hạn chế bệnh.

Bên cạnh đó bà con cần kiểm tra vườn thường xuyên để phát hiện bệnh sớm, thu gom tàn dư cây bị bệnh mang ra khỏi khu vực vườn tiêu rồi đốt tiêu hủy, xử lý đất tại các gốc tiêu bị bệnh bằng vôi bột. Cắt cành, dây lươn sát mặt đất để gốc tiêu thông thoáng, hạn chế lây lan nguồn nấm bệnh từ đất lên.

Sau khi thu hoạch, tiến hành dọn vườn, khử trùng bề mặt và nâng cao độ pH của đất bằng vôi bột với lượng 1.000kg/ha, chia làm 2 lần, mỗi lần 500kg (không rắc trực tiếp vào gốc và rễ cây) hoặc rắc xuống hệ thống rãnh thoát nước (500 – 700kg/ha) để khử trùng nguồn bệnh. Bên cạnh các biện pháp canh tác, cần ưu tiên sử dụng chế phẩm sinh học, thuốc BVTV an toàn để phòng, trừ bệnh.

Hiện nay, Cục BVTV đã ban hành Quy trình kỹ thuật quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu để các địa phương tiếp tục phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng phòng chống bệnh hiệu quả, an toàn và bền vững. Bà con nông dân có thể liên hệ với Trạm Trồng trọt và BVTV huyện để áp dụng quy trình sử dụng đúng, hiệu quả.

Leave a Reply