Sầu riêng là loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao và đặc biệt trong những năm gần đây, giá sầu riêng cao “ngất ngưỡng” đã kích thích nông dân mở rộng diện tích trồng sầu riêng. Tuy nhiên, sầu riêng là lọai cây “khó tính” không phải vùng đất nào cũng có thể trồng được, chúng chỉ phát triển tốt trên vùng nước ngọt quanh năm.
Ngoài ra, sầu riêng bị nhiều sâu bệnh tấn công, trong đó nhóm côn trùng gây hại là một thách thức không nhỏ cho nông dân, đáng quan tâm nhất là rầy phấn, sâu đục trái và xén tóc đục cành làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất thậm chí gây chết cây nếu không phát hiện sớm và phòng trị kịp thời.
Hơn nữa, ngày nay nhu cầu tiêu thụ trái cây đòi hỏi phải sạch, bảo đảm cho sức khỏe người tiêu dùng, vì thế người trồng phải nắm vững kỹ thuật canh tác, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và nhất là việc quản lý dịch hại theo hướng an toàn, hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất.
Phổ biến nhất trên sầu riêng, có rầy phấn gây hại trên lá non. Đây là một trong những loài côn trùng gây hại nghiêm trọng trên sầu riêng, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây. Rầy phấn (còn gọi là rầy nhảy), trưởng thành có màu xanh vàng, dài khoảng 3-4mm, cặp cánh trong suốt. Rầy non mới nở màu vàng nhạt, di chuyển chậm.
Ấu trùng tuổi 2 bắt đầu phủ ít lông tơ màu trắng, từ tuổi 3 trở đi cơ thể rầy phủ một lớp tơ trắng và tủa ra những sợi sáp trắng rất dài ở cuối đuôi, thoạt nhìn như bông gòn. Nông dân rất dễ phát hiện rầy phấn, giai đoạn sầu riêng ra đọt non thấy nhiều con vật nhỏ màu trắng, trên mình có những sợi dài tủa ra, lá bị đóng đen như khói đèn do nấm bồ hóng phát triển.
Rầy phấn thường tập trung ở mặt dưới của lá sầu riêng, chúng gây hại trên lá non còn xếp lại. Rầy trưởng thành và rầy non đều chích hút nhựa lá. Lá bị hại thường có những chấm nhỏ màu vàng. Bị nặng, lá khô vàng, biến dạng và rụng hàng loạt, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, ra hoa và đậu trái.
Ngoài ra, rầy còn tiết chất ngọt tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển. Để phòng trừ rầy phấn, sử dụng bẩy màu vàng để thu hút rầy trưởng thành; Dùng vòi nước phun mạnh lên các chồi non để rửa trôi rầy; Rầy phấn có nhiều thiên địch như bọ rùa, ong ký sinh họ Entycydae, Green lacwing,…do đó cần tạo điều kiện cho thiên địch phát triển.
Khi mật số rầy cao phun một trong các loại thuốc sau: Actara, Applaud, Trebon,….Chú ý phun dưới bề mặt lá nơi rầy thường tập trung và nên luân phiên sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau để hạn chế sự bộc phát tính kháng.
Giai đoạn sầu riêng hình thành trái, quan trọng nhất là sâu đục trái gây hại giai đoạn trái non và cả những trái lớn. Sâu đục trái có nhiều loài nhưng phổ biến nhất là loài Conogethes punctiferalis thuộc họ Pyralidae, bộ Lepidoptera. Bướm sâu đục trái tương đối nhỏ, thân dài khoảng 12mm, có màu vàng, trên cánh có nhiều chấm đen. Trứng được đẻ rãi rác trên các trái non.
Sâu non có đầu nâu, thân mình màu trắng ửng hồng. Sau khi vủ hoá, con cái thường tiết ra Pheromone để hấp dẫn con đực. Bướm hoạt động về đêm, ban ngày ẩn trong tán lá. Bướm thường bám trên chùm hoa để hút mật và đẻ trứng trên trái non. Mỗi bướm cái có thể đẻ từ 20-30 trứng. Sâu non khi nở bò rất nhanh, thường chọn nơi gần cuống trái để đục vào bên trong trái .
Đầu tiên sâu tấn công vỏ trái sầu riêng, khi tuổi lớn, sâu tiếp tục đục vào phía trong trái nhưng ít khi gây hại trên múi và hột sầu riêng. Sâu thường hóa nhộng ngay trên đường đục, gần bề mặt của vỏ trái hoặc sâu chui ra ngoài, nhã tơ, kết lá và phân thành kén rồi hóa nhộng trong kén ngay giữa các gai của trái.
Sâu có thể phá hại từ khi trái còn non đến khi già sắp chín nhưng nặng nhất khi trái bắt đầu có cơm. Sâu gây hại vào lúc trái nhỏ sẽ làm trái sẽ bị biến dạng và bị rụng sau đó, nếu tấn công vào giai đoạn trái đã phát triển thì sẽ làm mất phẩm chất của trái. Bên cạnh đó, khi bị sâu gây hại, trái thường bị các loại nấm bệnh tấn công làm thối trái. Triệu chứng để nhận diện là từng đám phân mầu nâu đậm do sâu thải ra bên ngoài lổ đục.
Phòng trừ sâu đục trái sầu riêng nên áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp ngay từ đầu vụ:
– Trong tự nhiên, sâu đục trái sầu riêng có nhiều loài thiên địch như kiến sư tử và chim sâu tấn công sâu non khi ở bên ngoài vỏ trái, bọ ngựa và nhiều loài nhện có khả năng bắt và ăn thịt bướm sâu đục trái.
– Thăm vườn thường xuyên vào giai đoạn ra hoa, kết trái để phát hiện sớm sâu đục trái, thu gom và tiêu huỷ những trái bị sâu gây hại;
– Hàng năm sau thu họach nên tỉa cành để tạo thông thoáng vườn cây;
– Trong chùm trái chưa bị nhiễm nên sử dụng miếng giấy cứng để chêm giữa các trái để hạn chế sự gây hại;
– Khi cần thiết có thể sử dụng thuốc hóa học ở những vùng thường xuyên bị nhiễm nặng, phun ngừa giai đoạn tượng trái. Nên ưu tiên sử dụng nhóm thuốc trừ sâu vi sinh (ViBT, Dipel,..), thuốc trừ sâu có nguồn gốc thực vật (Vineem,…) hoặc nhóm thuốc gốc Abamectin (Brightin, Abatin,…).
Phát hiện sớm khi sâu chưa đục sâu vào trong trái phun thuốc sẽ đạt hiệu quả cao. Chú ý đảm bảo thời gian cách ly khi phun thuốc để tránh dư lượng thuốc tồn dư trong trái ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Một loài sâu khá nguy hiểm gây hại trên thân, cành, chúng có thể làm chết cây, đó là xén tóc đục cành. Xén tóc đục cành (còn gọi là bù xòe) có tên khoa học là Batocera rufomaculata thuộc họ Xén tóc (Cerambycidae ), bộ Cánh cứng (Coleoptera).
Trưởng thành cái dài khoảng 50mm, trưởng thành đực nhỏ hơn. Trưởng thành có màu nâu hơi đậm, có nhiều chấm đỏ trên cánh, đặc trưng là giữa nơi tiếp giáp 2 cánh cứng gần cổ, có chấm màu trắng rất rõ, râu cứng và dài hơn cơ thể. Ấu trùng màu vàng nhạt, dài khoảng 60-80mm, đầu rất nhỏ so với mình.
Trưởng thành cái đẻ trứng vào các vết nứt của cây hoặc ngay cháng cây. Khi nở ra, ấu trùng chui qua vỏ vào trong đục thành đường hầm trong thân cây và cành cây, ăn phá ở đó. Giai đoạn ấu trùng kéo dài (khoảng 280 ngày) nên sức phá hại của chúng rất lớn. Ấu trùng đủ lớn chui ra làm nhộng ngay ở dưới vỏ cây.
Nhộng được bao bọc bởi một kén trắng to, có cấu tạo bằng calcium rất cứng. Triệu chứng nhận biết khi thấy phân đổ xuống dưới gốc cây hoặc gần vỏ cây nơi đục, dùng dao tách lớp vỏ cây bên ngoài sẽ thấy rõ đường đục khá to. Loài xén tóc này đục trên thân chính hoặc nhánh lớn thường làm chết nhánh hoặc cây sinh trưởng kém. Nếu bị nhiễm nặng có thể chết cả cây.
Biện pháp phòng trừ:
Vệ sinh vườn tạo thông thoáng, tiêu hủy các cành bị nhiễm xén tóc để loại bỏ trứng, ấu trùng và nhộng của xén tóc.Thăm vườn thường xuyên khi thấy cây có triệu chứng bị xén tóc gây hại phải có biện pháp xử lý kịp thời.
Áp dụng biện pháp thủ công có hiệu quả cao, dùng dao nhỏ mũi nhọn khoét ngay lổ đục sẽ thấy sâu nằm bên trong, bắt ấu trùng và nhộng tiêu diệt hoặc dùng các nhóm thuốc có tính lưu dẫn hoặc xông hơi thấm bông gòn, nhét vào lổ đục và lấy đất sét trám bít lại, sau đó quét thuốc gốc Đồng để phòng các loại bệnh tấn công qua lổ đục. Nếu cây tơ, thấp có thể đào chung quanh gốc rãi thuốc trừ sâu lưu dẫn, sau đó lấp đất và tưới nước cho thuốc hòa tan.
KS. HUỲNH HỮU ĐOÀN