Home / Uncategorized / TỔNG QUAN VỀ CÂY GỪNG

TỔNG QUAN VỀ CÂY GỪNG

Tên khác: Khương, Co khinh (Thái), Sung (Dao)

Tên khoa học: Zingiber offcinale Rosc.

Tên nước ngoài: Zingiber (Anh), GingembreAmome des Indes (Pháp).

Họ: Gừng (Zingiberaceae).

Bộ phận dùng:

Thân rễ (thường gọi là củ)- Rhizoma Zingiberis, có tên là Can khương. Thân rễ, thu hái vào màu đông, dùng tươi là sinh khương, phơi hoặc sấy khô là can khương. Còn dùng tiêu khương (gừng khô thái lát dày, sao sém vàng, đang nóng, vẩy vào ít nước, đậy kín. để nguội); bào khương (gừng khô đã bào chế); thán khương (gừng khô thái lát dày, sao cháy đen tồn tính).


Sinh khương

Can khương Tiêu khương

 

Thán khương Bào khương
Hình 1: Một số vị thuốc từ Gừng

 

Tinh dầu: Có thể cất tinh dầu từ gừng với hiệu suất 1-2,7% hoặc điều chế nhựa dầu gừng từ bột gừng khô với các dung môi hữu cơ, hiệu suất 4,2- 6,5%.                                  

MÔ TẢ CÂ

Cây thảo, sống lâu năm, cao 40-80cm. Thân rễ nạc, mọc bò ngang, phân nhiều nhánh. Lá mọc so le thành hai dãy, hình mác thuôn, thắt lại ở gốc, đầu nhọn, dài 15-20cm, rộng 2cm, không cuống, có bẹ nhẵn, lưỡi bẹ nhỏ dạng màng, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục sẫm bóng, mặt dưới nhạt. Cụm hoa dài 5cm, mọc từ gốc trên một cán dài khoảng 20cm do nhiều vảy lợp hình thành, những vảy phía dưới ngắn, càng lên trên càng dài và rộng hơn, lá bắc hình trái xoan, màu lục nhạt, mép viền vàng, đài có 3 răng ngắn, tràng có ống dài gấp đôi đài, 3 thùy bằng nhau, hẹp và nhọn, 1 nhị, nhị lép không có hoặc tạo thành thùy bên của cánh môi, cánh môi màu vàng, có viền tía ở mép, dài 2cm, rộng 1,5cm, chia thành 3 thùy tròn, các thùy bên ngắn và hẹp hơn, bầu nhẵn.

Qủa nang (rất ít gặp)
Toàn cây, nhất là thân rễ, có mùi thơm, vị cay nóng.
Mùa hoa quả: tháng 5-8



Một số giống gừng khác:

Cây Gừng Dại – Zingiber Parpureum

Cây Gừng Gió – Zingiber Zerumbet

Cây Gừng Lúa – Zingiber Gramineum

PHÂN BỐ

Phân bố

Chi Zingiber Boehmer ở châu Á có khoảng 45 loài, trong đó Việt Nam 11 loài. Gừng là loại cây gia vị cổ điển được trồng ở nhiều nước trong vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, từ Đông Á, đến Đông Nam Á và Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản là những nước trồng nhiều gừng nhất thế giới.


Hình 4: Sự phân bố của cây Gừng

Ở Việt Nam, gừng được trồng từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên. Hiện nay, cây được trồng ở khắp các địa phương, từ vùng núi cao đến đồng bằng và ngoài các hải đảo.

Gừng trồng trong nhân dân hiện nay cũng có nhiều giống. Loại “ gừng trâu” có thân to, củ to thường để làm mứt, có nhiều ở các vùng núi thấp, như Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Tuyên Quang. Loại “gừng gié” có thân và củ đều nhỏ, nhưng rất thơm. Loài này cũng gồm 2 giống, giống củ nhỏ có màu hồng tía ở phần củ non, thường được đồng bào dân tộc trồng ở vùng cao, như ở các huyện phía bắc tỉnh Hà Giang, Sìn Hồ (Lai Châu), Sapa, Bát Xát (Lào Cai). Theo nhân dân địa phương, giống gừng này chịu được khí hậu lạnh kéo dài trong mùa đông. Cây trồng trên nương ít cần chăm sóc. Còn giống gừng củ nhỏ màu vàng ngà, được trồng phổ biến ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và ở phía nam. Như vậy, đặc điểm sinh thái riêng của các giống gừng tùy thuộc vào điều kiện vùng trồng. Đặc điểm chung nhất của chúng là cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng (gừng trâu). Cây trồng thường có hoa ở năm thứ hai. Chưa thấy cây có quả và hạt. Gừng trồng sau một năm nếu không thu hoạch sẽ có hiện tượng tàn lụi (phần trên mặt đất) qua đông. Thời gian sinh trưởng mạnh của cây trùng với mùa hè – thu nóng và ẩm.

Thu hoạch, sơ chế

Trong y học cổ truyền phương Ðông, ở các nước Trung Quốc, Ấn Ðộ, Việt Nam v.v… các lương y đã dùng gừng làm thuốc từ hơn 2.000 năm. Ngày nay, nhiều kinh nghiệm chữa bệnh cổ truyền đã là những đề tài nghiên cứu có giá trị của y học hiện đại nhằm chứng minh cơ chế tác dụng đối với cơ thể của gừng vàng.

  • Sinh khương: Sinh khương còn gọi là gừng sống hoặc tiên khương là gừng tươi. Là thân rễ (còn gọi là củ) của cây gừng vàng được khai thác vào mùa hè, thu. Rửa sạch đất cát, để ráo nước rồi bảo quản nơi ẩm mát dùng làm thuốc quanh năm (Củ gừng tươi có sức sống kỳ lạ, nếu môi trường bảo quản không quá ẩm ướt hoặc quá khô sẽ tươi và giữ được tiềm năng tái sinh). Trong các bài thuốc Ðông y có gừng, sinh khương chiếm tới hơn 60%. Sinh khương vị cay, tính hơi ôn, vào 3 kinh: phế, tỳ, vị, có tác dụng tán hàn giải biểu, ấm dạ dày, cầm mửa, tiêu nước, dịu ho. Sinh khương được xếp vào nhóm thuốc phát tán phong hàn.
  • Khương bì: Là vỏ gừng tươi, vị cay mát, có tác dụng hành thủy (dẫn nước) chủ trị các chứng phù.
  • Ổi khương: Là gừng lùi – gừng sống vùi nhẹ lửa cho chín (hoặc nướng chín) có tác dụng ấm bụng, trừ hàn.
  • Can khương: Là thân rễ phơi sấy khô của cây gừng vàng khai thác vào mùa đông. Can khương vị cay, tính ôn vào 4 kinh: tâm, phế, tỳ, vị. Có tác dụng ôn trung (ấm cơ thể) trừ hàn, hồi dương, thông mạch, dịu ho, cầm tả, cầm mửa, cầm máu. Can khương được xếp vào nhóm thuốc trừ hàn.
  • Bào khương: Là can khương thái phiến, đem sao cho phồng rộp rồi phun nước cho nguội.
  • Thán khương: Còn gọi là hắc khương hoặc gừng cháy. Là can khương thái phiến dày, sao cho cháy đen bên ngoài nhưng bên trong còn màu hồng sẫm (gọi là thiêu tồn tính). Có tác dụng cầm máu trong các bài thuốc trị băng huyết, thổ huyết, tiêu ra máu, tiểu ra máu, lỵ ra máu v.v…

THÀNH PHN HÓA HỌC:

  • Thân rễ phơi khô chứa: Tinh bột (>50%), protein (9%), lipid (6-8%) gồm triglyceride, acid phosphatidic, lecithin và các acid tự do; chất xơ (5.9%), tro(5.7%), canxi (0.1%), photpho (0.15%), sắt (0.011%), natri (0.03%), kali (1.4%), vitamin A (175 IU/100g), B1 (0.05mg/100g), vitamin B2 (0.13mg/100g), niacin (1.9mg/100g), vitamin C (12mg/100g), và khoảng 380kcal/100g.
  • Gừng chứa 2-3% tinh dầu với thành phần chủ yếu là các hợp chất hydrocarbon sesquiterpenic: β-zingiberen (35%), ar-curcumenen (17%), β-farnesen (10%) và một lượng nhỏ các hợp chất alcol monoterpenic như geraniol, linalol, borneol.
  • Nhựa dầu chứa 20-25% tinh dầu và 20-30% các chất cay. Thành phần chủ yếu của nhóm chất cay là zingeron, shogaol và zingerol, trong đó gingerol chiếm tỷ lệ cao nhất. Ngoài ra, trong tinh dầu Gừng còn chứa α-camphen, β-phelandren, eucalyptol và các gingerol. Cineol trong Gừng có tác dụng kích thích khi sử dụng tại chỗ và có tác dụng diệt khuẩn trên nhiều vi khuẩn.


Hình 5: Một số công thức đại diện

​TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

  • Trên thực nghiệm, gừng có tác dụng làm giãn mạch và tăng tỷ lệ protein toàn phần và gamma globulin trên động vật thí nghiệm, đồng thời, có khả năng ức chế hoạt tính của histamin và acetylcholin thể hiện trên sự giảm mức độ co thắt cơ trơn ruột cô lập. Gừng có tác dụng làm giảm cơn dị ứng của chuột lang và sau đó 3 tuần được đưa kháng nguyên vào đường hô hấp trong buồng khí dung để gây phản ứng phản vệ.
  • Cineol trong gừng có tác dụng kích thích khi sử dụng tại chỗ và có tác dụng diệt khuẩn trên nhiều vi khuẩn. Bột rễ gừng có tác dụng trị bệnh mắt hột tốt hơn nhiều loại thuốc khác. Nó làm giác mạc bị biến đổi trở nên trong, làm giảm sự thẩm thấu dưới niêm mạc và tăng hoạt tính sống của mô mắt.
  • Cao cồn gừng có tác dụng kích thích các trung tâm vận mạch và hô hấp mèo gây mê, và kích thích tim. Trong gừng có yếu tố kháng histamin.

 

Nói chung gừng có những tác dụng dược lý như sau:
 

  • Ức chế thần kinh trung ương, làm giảm vận động tự nhiên và tăng thời gian gây ngủ của thuốc ngủ barbituric. Cao chiết gừng khô, gingerol và shogaol đều ức chế sự vận động tự nhiên của chuột nhắt.
  •  Hạ nhiệt: shogaol và gingerol làm giảm sốt trên chuột đã được gây sốt bằng tiêm men  bia.
  • Giảm đau và giảm ho.
  • Chống co thắt: shogaol và gingerol có tác dụng này.
  • Chống nôn: dịch chiết gừng khô có tác dụng trên cây chó gây nôn bằng đồng sulfat.
  • Chống loét đường tiêu hoá: dịch chiết nước gừng tươi, tiêm phúc mạc cho chuột, có tác dụng ức chế loét dạ dày thực nghiệm do gò bó.
  • Kích thích tiết nước bọt: gừng tươi có tác dụng này.
  • Kích thích sự vận chuyển trong đường tiêu hóa: dịch chiết gừng khô cho chuột nhắt uống làm tăng sự vận chuyển bari sulfat.
  • Tác dụng chống viêm: dịch chiết gừng khô tiêm dưới da cho chuột nhắt ức chế sự tăng tính thẩm thấu của các mao quản trong phản ứng viêm thực nghiệm.
  • Ức chế sự tổng hợp prostaglandin PGE2.
  • Cường tim: trên tim cô lập, thành phần có vị cay vủa gừng ức chế hoạt tính men ATPase.
  • Gừng đã được thử nghiệm tác dụng gây mê cục bộ và thấy dung dịch 2% của cao gừng có tác dụng tê bằng 0,73 lần so với tác dụng của dung dịch 0,5% procain. Gingerol và Shogaol có trong gừng có tác dụng kích ứng da mạnh, gây ban đỏ, nhưng không gây phồng rộp da, nên gừng có thể dùng làm thuốc gây sưng huyết da.
  • Gừng đã được thử nghiệm bằng phương pháp của Tổ chức Y tế thế giới và chứng minh có tác dụng diệt động vật thân mềm. Gừng có thể là thuốc diệt động vật thân mềm và diệt sán máng có nhiều triển vọng.
  • Nhiều chất có tác dụng ức chế mạnh sự sinh tổng hợp prostaglandin đã được phân lập từ gừng.
  • Chuột cống trắng ăn thức ăn trộn với 30% gừng thì nồng độ cholesterol huyết thanh giảm và mức đường máu tăng một cách có ý nghĩa; nếu ăn gừng cùng với cholesterol thì gừng sẽ ngăn cản sự tăng cholesterol máu. Ở chuột cống trắng có cholesterol máu cao, gừng làm giảm cholesterol huyết thanh và cholesterol trong gan. Gừng có tác dụng ức chế những tổn thương dạ dày ở chuột cống trắng.
  • Hai thành phần có vị cay của gừng là 6-gingerol và 6-shogaol, đều ức chế co bóp dạ dày trong thí nghiệm dạ dày ở nguyên vị trí trong cơ thể. Sự ức chế do 6- shogaol mạnh hơn.
  • Cao gừng chiết với aceton, zingiberen (chất terpenoid chính của cao aceton gừng) và hoạt chất cay 6-gingerol có tác dụng ức chế những tổn thương dạ dày gây ở chuột trắng bởi acid hydrocloric/ethanol. Những kết quả thí nghiệm này gợi ý rằng zingiberen và 6-gingerol  là những thành phần quan trọng trong những thuốc làm dễ tiêu có gừng.
  • Gừng có phổ hoạt tính kháng nấm tương đối hẹp trong thí nghiệm trên 9 loại nấm. Cao gừng có tác dụng ức chế sự phát triển hệ sợi nấm của Epidermophyton floccosum, Microsporum gypseum, Paecilomyces varioti và Trichophyton mentagrophytes.
  • Tác dụng chống say sóng của gừng đã được nghiên cứu trên học viên Trường sĩ quan hải quân không quen đi biển vào lúc biển động dữ dội. Cho mỗi người uống 1g gừng và theo dõi trong 4 giờ liền sau đó, thấy gừng làm giảm nôn (chỉ số bảo vệ 72%) và giảm ra mồ hôi lạnh.

Bài thuốc “Tiểu sài hồ thang” gồm các dược liệu sài hồ, hoàng cầm, cam thảo, gừng, nhân sâm, bán hạ, táo đã được nghiên cứu và chỉ định ở lâm sàng đối với các thể viêm nan và viêm thận mạn tính và làm tăng sức lực đối với suy nhược cơ thể. Bài thuốc có những tác dụng như sau:

  • Làm giảm tác dụng phụ của một số thuốc tây y, kéo dài thời gian sống của chuột nhắt điều trị với liều cao thuốc chống ung thư mitomycin, ngăn cản sư teo tuyến thượng thận ở chuột do tác dụng phụ của thuốc chống viêm prednisolon.
  • Chống lại tác dụng của chất độc gây ung thư ở nhóm chuột cho dùng thuốc, mức độ tổn thương gan, trọng lượng gan và hàm lượng hydroprolin (được dùng làm chỉ số của mức độ xơ gan) thấp hơn nhiều so với nhóm đối chứng.
  • Thuốc làm tăng lượng corticosteron tự nhiên trong cơ thể chuột nhắt, và như vậy có tác dụng kiểu hormon Steroid.
  • Ức chế sự sinh tổng hợp prostagladin PGF2 trong thí nghiệm in vitro. Khi thử nghiệm riêng rẽ, gừng cũng có tác dụng này, hoạt chất gingerol của gừng có tác dụng ức chế men cyclooxygenase.
  • Thuốc đối kháng với tác dụng ức chế miễn dịch của steroid, và cùng với tác dụng kiểu steroid, nó được coi là một chất điều hoà miễn dịch.
  • Ba bài thuốc cổ truyền có gừng của Nhật Bản là Shosaikoto, Daisaikoto, Hochuekketo đã được nghiên cứu đối với hoạt tính kích thích miễn dịch của một số chất kích thích miễn dịch như lipopolysacharid, conca-navalin A, phorbol myrisrat acetat, phytohemaglutinin. Những kết quả thử nghiệm chứng tỏ các bài thuốc cổ truyền trên có tác dụng điều hoà miễn dịch hoặc kích thích miễn dịch như trong kinh nghiệm lâm sàng của Nhật Bản và Trung Quốc.

CÔNG DỤNG

Trong đông y

  • Tính vị, quy kinh:  Gừng tươi có vị cay, nóng, mùi thơm, tính ấm. Gừng khô và tiêu khương có vị cay, mùi thơm hắc, tính nóng. Bào khương vị cay đắng, tính đại nhiệt. Thán khương vị cay, mùi thơm hắc, tính ấm.
  • Công năng, chủ trị: Tất cả có tác dụng ôn trung, trục hàn, hồi dương, thông mạch. Là vị thuốc quen thuộc trong nhân dân ta để giúp cho sự tiêu hoá, dùng trong những trường hợp kém ăn, ăn uống không tiêu, nôn mửa đi ỉa, cảm mạo phong hàn, làm thuốc ra mồ hôi, chữa ho mất tiếng
  • Liều dùng: Gừng tươi chữa cảm mạo, phong hàn, nhức đầu, ngạt mũi, ho có đờm, nôn mửa, bụng đầy trướng. Dùng làm thuốc kích thích tiêu hóa, tăng bài tiết, sát trùng, hành thủy, giải độc ngứa do bán hạ, cua cá, chim, thú độc. Ngày dùng 4-8g, dạng thuốc sắc uống. Còn dùng làm thuốc xoa bóp và đắp ngoài chữa sưng phù và vết thương.
  • Gừng nướng chữa đau bụng, lạnh dạ , đi ngoài.
  • Gừng khô, gừng sao chữa đau bụng lạnh, đầy trướng không tiêu, thổ tả, chân tay giá lạnh, mạch nhỏ, đàm ẩm, ho suyển và thấp khớp. Ngày dùng 4-20g dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.
  • Gừng than chữa đau bụng lạnh, máu hàn, tay chân lạnh, nhức mỏi, tê bại, băng huyết. Ngày dùng 4- 8g, dạng thuốc sắc.
  • Chú ý:  âm hư, nội nhiệt sinh ho, biểu hư làm ra mồ hôi nhiều hoặc mất máu không nên dùng.

Trong cuộc sống

  • Chữa trúng phong cấm khẩu: Uống nước sắc kinh giới hoà với nước cốt gừng, nước măng vòi (lấy vòi tre hơ lửa vắt lấy nước cốt) và rượu, các thành phần với liều lượng bằng nhau.
  • Chữa hoắc loạn thổ tả nguy cấp: Gừng sống 7 lát, sắc qua, đun một lúc rồi lấy trầm hương, mộc hương, hạt đậu gió (1 hạt), mài vào. Uống khi còn nóng. Có thể sắc tất cả cùng một lúc, nhưng bít kín cho đỡ bay hơi.
  • Chữa hoàng đản, tiểu tiện không lợi, suyển đầy hoặc bệnh đến giai đoạn nguy cấp: Gừng sống, củ chóc, mỗi vị 320g. Sắc uống làm 2 lần.
  • Chữa trúng hàn thổ tả: Gừng nướng khô tán bột. Uống mỗi lần 12g với cháo.
  • Chữa ỉa ra máu: Gừng sống, ngải cứu với lượng bằng nhau. Sắc uống.
  • Chữa đau ở tim: Gừng khô tán bột 4g, uống với nước cơm.
  • Chữa ho lâu ngày và ợ: Gừng sống giã lấy nước cốt (1 thìa) trộn mật ong (1 thìa). Đun nóng, uống dần ít một.
  • Chữa hen: Nước gừng sống, nước chanh, sữa người, đồng tiện, đều 1 chén. Hâm ấm và uống, cho đến khi khỏi.
  • Chữa mụn ổ gà ở nách: Gừng giã 4g, đinh hương 4 nụ, củ gai 4g, giã nhuyễn thêm ít nước và đắp.
  • Chữa phong hủi: Gừng sống (1280g) giã vắt lấy nước cốt, mật ong (640g). Trộn lẫn, uống với rượu. Ngoài dùng đậu đen và tóc rối đốt thành tro, tán nhỏ mà xát.
  • Chữa bị thương do vật nhọn đâm: Trước tiên lấy cành thị thái nhỏ, nấu nước, lấy lá chuốu bịt miệng nồi, chọc thủng một lỗ để xông. Rồi lấy gừng sống, củ chuối hột, củ ráy, với liều  lượng 3 vị bằng nhau, giã nhỏ, trộn đều. Lấy lá ngải cứu gói thuốc lại, đem nướng chín. Lại dùng lá chuối chọc lỗ để trên vết thương và đắp thuốc nóng lên. Hễ nguội thì nướng lại và đắp.
  • Chữa phù khi có mang: Gừng, hạt dành dành. Sao lẫn với hạt cải củ. Rồi bỏ hạt cải, tán nhỏ. Uống với rượu, mỗi lần 8g. Ngày đầu, uống một lần, ngày thứ hai, uống 2 lần, ngày thứ ba,uống ba lần.
  • Chữa sổ mũi: Nước gừng, bột bạch chỉ. Trộn lẫn, bôi vào huyệt thái dương.
  • Chữa nôn oẹ: Nước gừng sống 10ml, sữa bo20ml. Đun nóng uống.
  • Chữa cam tẩu mã: Gừng khô, quả táo ta (đốt tồn tính), phèn chua, với lượng bằng nhau. Tán nhỏ và bôi vào lợi.
  • Chữa phong giản lên kinh: Gùng sống 4 lát, nam tinh(bán hạ củ to) nướng 2 – 3g, tía tô 5 lá. Sắc rồi hòa với một ít mật lợn, uống.
  • Chữa sâu bọ vào tai: Gừng, hành, hẹ, mỗi thứ một ít. Giã lấy nước cốt rỏ vào tai.
  • Chữa nhức đầu, lạnh bụng, nôn oẹ, có đờm: Gừng khô 10g, chích cam thảo 4g, nước 300ml. Sắc còn 100ml, chia nhiều lần uống trong ngày. Nếu thấy đỡ, uống bớt đi.
  • Chữa đau bụng, đầy bụng, ỉa phân loãng:
  • Chữa lỵ ra máu: Gừng khô thiêu tồn tính. Ngày uống nhiều lần, mỗi lần 2-4g, chiêu bằng nước cơm hay nước cháo
  • Chữa cảm cúm, nhức đầu, ho, thân thể đau mỏi: Gừng sống giã nhỏ, bọc vào mớ tóc rối, tẩm rượu xào nóng, đánh khắp người vào chỗ đau mỏi.
  • Chữa nôn mửa, nấc: Gừng sống nhai nuốt từng ít môi cho đến khi khỏi
  • Chữa cảm thấp nhiệt, sốt gai rét, nhức đầu, ngạt mũi, sổ mũi, ho đờm: Gừng sống, hành trắng, mỗi vị 15-20g. Sắc lấy nước uống nóng và xông cho ra mồ hôi.
  • Chữa cảm hàn rét run hoặc đau bụng lạnh da, ỉa tóe ra nước, đau bụng thổ tả: Gừng khô, riềng ấm, mỗi vị 15-20g. Sắc uống.
  • Chữa tỳ thấp thủy trướng, tay chân phù, ăn không tiêu, sợ lạnh, sợ nước: Gừng sống 150g, thái mỏng, rang khô giòn, đổ vào bát. Thêm 50ml mật ong, trộn đều, lấy đĩa dây một lát, rồi cho bệnh nhân ăn hết trong một ngày sẽ bớt phù. Ăn tiếp vài lần nữa sẽ khỏi.
  • Chữa cảm mạo phong hàn: Tía tô 10g, kinh giới 10g, bạch chỉ 6g, địa liền 6g, vỏ quýt 6g, gừng tươi 3 lát. Sắc uống ngày một thang trong 3 ngày.
  • Chữa ho do lạnh: Tía tô 12g, gừng 8g, bạch chỉ 6g, bách bộ 12g, trần bì 8g, sả 10g, húng chanh 10g. Sắc uống ngày một thang trong 5 ngày liền.
  • Chống khô họng, viên họng, viêm mũi đối với công nhân lặn: Kẹo ngậm chứa hỗn hợp các tinh dầu: bạc hà, hương nhu, gừng, quế và menthol, vitamin C, acid citric.
  • Viên ngậm trị ho và hen: Cao lá táo 5/1 20mg, cao cà độc dược 1mg, cao gừng 0.5mg, cao trần bì 2mg, tá dược vừa đủ làm thành viên ngậm 0.4g.

Dùng ở Trung Quốc

  • Chữa sỏi mật, khó tiểu, mất trương lực và sa dạ dày: Gừng 8g, phục linh 6g, bạch truật 6g, vỏ quýt 5g, nhân sâm 6g. Sắc với 600ml nước còn 300ml. Chia 3 lần uống trong ngày.
  • Chữa viêm rễ dây thần kinh thắt lưng – xương cùng, không cầm được đái ở người già: Gừng 8g, phục linh 8g, bạch truật 4g, cam thảo 4g. Sắc với 600ml nước trong một giờ. Chia 3 lần uống nóng trong ngày.
  • Chữa viêm thận kèm theo phù thũng ở mặt, chân và cổ trướng: gừng 12,5g, ngũ gia bì 6g, kỷ tử 12,5g, cau (vỏ quả) 10g, phục linh 19g, trạch tả 12,5g. Sắc với 800ml nước, còn 450ml. Chia 3 lần uống trong ngày.
  • Chữ nhiễm độc trong những tháng đầu thai nghén: Gừng 3g, bán hạ 6g, nhân sâm 3g. Sắc với 500ml nước, còn 200 ml. Chia 2 lần uống trong ngày.
  • Chữa lao phổi có kèm theo sốt ở những bệnh nhân bị viêm dạ dày mạn tính, viêm ruột non và viêm ruột kết; Gừng, nhân sâm, hoàng liên, hoàng cầm, mỗi vị 6g. Sắc với 600ml nước, đun sôi trong một giờ. Chia 3 lần uống trong một ngày.
  • Chữa lao phổi ở những giai đoạn đầu: Gừng 10g, cam thảo 4g, nhân sâm 6g, táo chua (quả) 4g. Sắc với 600ml nước, còn 300ml. Chia 3 lần uống nóng trong ngày.

Trong y học hiện đại

Dầu nóng Mặt trời là chế phẩm của công ty cổ phần dược phẩm OPC. Dầu nóng Mặt trời được bào chế từ những dược chất có tính sinh nhiệt mạnh như Methyl salicylat , Camphor, Tinh dầu quế, Tinh dầu bạc hà, Gừng khô, có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu cục bộ, làm tiêu viêm.


Sản phẩm Dầu nóng Mặt trời OPC

TIÊU CHUẨN

Đạt tiêu chuẩn theo Dược điển Việt Nam IV.

Thân rễ đã phơi hay sấy khô của cây Gừng (Zingiber officinale Rose.), họ Gừng (Zingiberaceae).

Mô tả

Thân rễ (quen gọi là củ) không có hình dạng nhất định, thường phân nhánh, dài 3 – 7 cm, dày 0,5 -1,5 cm. Mặt ngoài màu trắng tro hay vàng nhạt, có vết nhăn dọc. Đỉnh các nhánh có đỉnh sinh trưởng của thân rễ. Vết bẻ màu trắng tro hoặc ngà vàng, có bột, vân tròn rõ. Mặt cắt ngang có sợi thưa. Mùi thơm, vị cay nóng.


Hình 7: Thân rễ Gừng

Vi phẫu

Biểu bì gồm một lớp tế bào hình chữ nhật, nhỏ xếp tương đối đều đặn. Dưới lớp biểu bì là lớp suberoid gồm 5 – 6 hàng tế bào tròn hoặc gần tròn nhuộm màu xanh, xếp xen kẽ nhau. Phía dưới lớp suberoid là lớp bần gồm những tế bào hình chữ nhật, xếp xuyên tâm và đồng tâm. Mô mềm vỏ đạo. Phía trong lớp nội bì tạo thành vòng không liên tục, sát lớp nội bì là lớp trụ bì. Các bó libe gỗ rải rác trong phần mô mềm vỏ và mô mềm ruột, tập trung nhiều nhất ở sát lớp nội bì. Mỗi bó hình tròn hay hình trứng có 1-6 mạch gỗ ở giữa, libe chồng lên gỗ, rải rác có các mạch gỗ bị cắt dọc. Những tế bào tiết tinh dầu rải rác khắp mô mềm ruột và mô mềm vỏ.


Hình 8: Mặt cắt thân rễ Gừng

Trong đó:
a- Mặt cắt ngang
b- Mặt cắt dọc gồm (o- Mô mềm vỏ), (v- Nội bì), (b- Trụ giữa)


Hình 9: Vi phẫu thân rễ Gừng

Trong đó:

1. Biểu bì; 2. Mô mềm vỏ; 3. Bần; 4. Tế bào chứa tinh dầu; 5. Nội bì
6. Vỏ trụ; 7. Tinh bột; 8. Libe; 9. Gỗ; 10. Sợi

Lớp bần Tế bào tiết
Tế bào nhu mô- Hạt tinh bột Sợi
Mạch gỗ Hạt tinh bột hình Elip

Bột

Mảnh mô mềm gồm những tế bào hình nhiều cạnh, rải rác có chứa tế bào tiết tinh dầu màu vàng nhạt. Tinh bột hình trứng, có vân rõ. Mảnh bần gồm các tế bào hình chữ nhật, vách dày, màu vàng nâu. Sợi có thành mỏng. Mảnh mạch vạch, mạch vòng, mạch điểm.



Hình 10: Vi phẫu bột thân rễ Gừng

Định tính

Thể hiện phép thử Định tính của thân rễ Gừng khô.

Độ ẩm

Không quá 13%.

Tro toàn phần

Không quá 6%

Tro không tan trong acid hydrocloric

Không quá 3%

Tạp chất

Tạp chất: Không quá 1%.
Tỉ lệ non xốp: Không quá 1%

Chất chiết được trong dược liệu 

Chất chiết được trong nước: Không ít hơn 14,0%.
Chất chiết được trong ethanol 90%: Không ít hơn 6,0%.

Leave a Reply