Home / Uncategorized / VÒNG ĐỜI SINH TRƯỞNG CỦA SÂU KHOANG

VÒNG ĐỜI SINH TRƯỞNG CỦA SÂU KHOANG

Tên khoa học: Spodoptera litura Fabricius
Họ: Ngài đêm (Noctuidae);
Bộ: Cánh vảy (Lepidoptera).
1. Đặc điểm gây hại
Sâu khoang còn được gọi là sâu ăn tạp gây hại trên tất cả các loại rau, là đối tượng gây hại nặng trên rau, đậu. Sâu non tuổi nhỏ thường gây hại nghiêm trọng nhất bởi vì hàng trăm con sâu non tập trung lại ăn lá cây và nhanh chóng làm lá cây xơ xác. Sâu non còn có thể gặm ăn vỏ quả làm giảm phẩm chất.

2. Đặc điểm hình thái
– Trưởng thành có chiều dài thân khoảng 20-25mm, sải cánh rộng từ 35-45mm. Cách trước màu nâu vàng, giữa cánh có vân trắng, cánh sau màu trắng óng ánh. Trung bình một trưởng thành cái có thể đẻ 300 trứng, nhưng nếu điều kiện thích hợp bướm có thể đẻ từ 900-2.000 trứng.

– Trứng có hình bán cầu, đường kính từ 0,4 – 0,5mm. Bề mặt trứng có những đường khía dọc từ đỉnh trứng xuống đến đáy và bị cắt ngang bởi những đường khía ngang tạo thành những ô nhỏ. Trứng mới nở có màu trắng vàng, sau chuyển thành màu vàng tro, lúc sắp nở có màu tro đậm. Ổ trứng có phủ lớp lông màu nâu vàng từ bụng bướm mẹ.

– Sâu non mới nở màu xanh sáng, dài khoảng 1mm, đầu to, đẫy sức có màu xám tro đến nâu đen, vạch lưng màu vàng ở đốt bụng thứ nhất có khoang đen to nên được gọi là sâu khoang. Sâu có 6 tuổi, đẫy sức trước khi hóa nhộng dài 38-50 mm. Sâu làm nhộng trong đất.

– Nhộng dài từ 18-20mm, có màu xanh nõn chuối, rất mềm ngay khi mới được hình thành, sau đó chuyển dần sang màu vàng xanh, cuối cùng có màu nâu, thân cứng dần và có màu nâu đỏ. Khi sắp vũ hoá, nhộng có màu nâu đen, các đốt cuối của nhộng có thể cử động được. Mép trước đốt bụng thứ 4 và vòng quanh mép trước đốt bụng thứ 5-7 có nhiều chấm lõm, cuối bụng có một đôi gai ngắn.
3. Đặc điểm sinh học
– Trưởng thành: 5-8 ngày;
– Thời gian trứng: 2-6 ngày;
– Sâu non có 6 tuổi: 12-37 ngày;
– Tiền nhộng: 1-4 ngày;
– Nhộng: 4-14 ngày;
Vòng đời của sâu khoang từ 20-64 ngày

– Trưởng thành thường vũ hoá vào buổi chiều và bay ra hoạt động vào lúc chập tối, ban ngày đậu ở mặt sau lá hoặc trong các bụi cỏ. Trưởng thành hoạt động từ tối đến nửa đêm, có thể bay xa đến vài chục mét và cao đến 6-7 mét. Sau khi vũ hoá vài giờ, trưởng thành có thể cặp đôi để giao phối và một ngày sau đó có thể đẻ trứng. Trưởng thành có xu tính thích các chất có mùi chua ngọt và ánh sáng đèn.
– Sâu khoang phá nhiều loại cây nên có mặt quanh năm trên đồng ruộng. Sâu cắn phá mạnh vào lúc sáng sớm nhưng khi có ánh nắng sâu chui xuống dưới tán lá để ẩn nắp. Chiều mát sâu bắt đầu hoạt động trở lại và phá hại suốt đêm.
– Sâu vừa nở gặm vỏ trứng và sống tập trung 1-2 ngày, nếu bị động sâu bò phân tán hoặc nhả tơ buông mình xuống đất. Sâu tuổi 1-2 chỉ ăn gặm phần diệp lục của lá và chừa lại lớp biểu bì trắng, từ tuổi 3 trở đi sâu ăn phá mạnh cắn thủng lá và gân lá. Ở tuổi lớn khi thiếu thức ăn, sâu còn tập quán ăn thịt lẫn nhau và không những ăn phá lá cây mà còn ăn trụi cả thân, cành, trái non. Sâu non phát triển thích hợp ở nhiệt độ và ẩm độ cao. Khi làm nhộng, sâu chui xuống đất làm thành một khoang và nằm yên trong đó hoá nhộng.
– Trong năm phát sinh từ 7-8 lứa trên rau họ hoa thập tự, thời gian gây hại nặng từ tháng 8 đến tháng 10.

Leave a Reply